Tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Thưa tập thể CBGVNV, cùng tất cả phụ huynh trong nhà trường thân mến! Lời đầu của bài tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh cho phép tôi được gửi tới toàn thể CBGVNV, và các bậc phụ huynh lời chúc sức khỏe kính trọng nhất.
Thưa tất cả CBGVNV cùng toàn thể phụ huynh của các em học sinh, xung quanh chúng ta có rất nhiều các bệnh truyền nhiễm, chúng sống ở nhiều môi trường khác nhau và lây truyền sang con người cũng qua nhiều con đường khác nhau như: bệnh tả, bệnh sốt xuất huyết. Muốn phòng tránh hiệu quả các loại dịch bệnh thì chúng ta phải hiểu biết về bệnh, phải biết bệnh do loại vi khuẩn nào gây ra, môi trường sống của chúng như thế nào, chúng lây lan sang con người bằng con đường gì. Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn cách phòng và chống một loại bệnh nguy hiểm đó là bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết.
Bệnh sốt Xuất Huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng dengue gây ra
Nguồn lây: Do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là:
- sốt cao 39-40 oC, đột ngột liên tục trong 3-4 ngày liền, biếng ăn, mệt mỏi
- Xuất Huyết xảy ra ở nhiều dạng:
+ Xuất huyết dưới da: Xuất hiện trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm
+ Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng
+ Nôn hoặc đi cầu ra máu ( chất nôn màu nâu, phân lệt sệt như bã cà phê hoặc đỏ tươi)
- Đau bụng
- Sốc: là dấu hiệu nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ dang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.
+ Dấu hiệu sốc: Trẻ mệt li bì, hoặc vật vã; Chân tay lạnh; Tiểu ít; Có thể kèm theo nôn hoặc đi cầu ra máu.
Hiện nay đã gần mùa mưa nên chúng ta ngay từ bây giờ cần cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết bởi bệnh truyền nhiễm này có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu chúng có điều kiện phát triển. Trung tâm y tế huyện đã tổ chức nhiều đợt phun hóa chất diệt muỗi nhằm khống chế tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên để công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả đòi hỏi có sự tham gia của cộng đồng, gia đình thực hiện một số biện pháp như sau:
1. Thứ nhất: Diệt lăng quăng nhằm hạn chế phát sinh của muỗi vằn bằng cách:
- Các dụng cụ chứa nước cần phải được đậy nắp kín bằng mủ Nylon để muỗi không vào đẻ trứng
- Các dụng cụ chứa nước nhất là bể chứa nước to cần nên thả cá 7 màu để ăn lăng quăng.
- Thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước mổi tuần 1 lần để loại bỏ lăng quăng.
- Xung quanh nhà nên vệ sinh sạch sẽ, thu gom loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết như: gáo dừa, các dụng cụ có thể chứa nước, vỏ lon sữa bò…để không còn là nơi muỗi đẻ trứng.
- Thường xuyên kiểm tra lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, phát hiện có lăng quăng phải xử lý kịp thời.
2. Thứ 2: Tích cực phòng tránh muỗi đốt bằng cách:
- Cho trẻ mặc quần áo dài tay.
- Cho trẻ ngủ màn kể cả ngày lẫn đêm.
- Dùng nhan, quạt xua muỗi và dùng bình xịt muỗi tại nhà để diệt muỗi.
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng để hạn chế muỗi.
3. Thứ 3: Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao đột ngột cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời.
Xin chân thành cảm ơn!